1.Tóm Tắt
Cho tôi hỏi: Trong phiên tòa Dân sự thì có thể được tạm hoãn trong thời gian là bao lâu? Và được hoãn trong những trường hợp như thế nào?.
2.Tư Vấn
Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Tư Vấn Luật C.Law Việt Nam. Chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
Tại Khoản 1 điều 233 BLTTDS năm 2015 quy định: “Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 56, khoản 2 Điều 62, khoản 2 Điều 84, Điều 227, khoản 2 Điều 229, khoản 2 Điều 230, khoản 2 Điều 231 và Điều 241 của Bộ luật này. Thời hạn hoãn phiên tòa là không quá 01 tháng, đối với phiên tòa xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn là không quá 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.”.
Khi đó, thời hạn tạm hoãn phiên tòa Dân sự sẽ không được quá 01 tháng, đối với phiên tòa xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn là không quá 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.
Những trường hợp được tạm hoãn phiên tòa theo quy định trên bao gồm:
– Khi có yêu cầu thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên và việc này là bắt buộc phải thực hiện;
– Khi phải thay đổi người giám định, người phiên dịch;
– Khi đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, vắng mặt lần thứ nhất tại phiên tòa hoặc vắng mặt lần thứ hai nhưng do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Cả hai lần vắng mặt này đều không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt;
– Khi người làm chứng vắng mặt gây khó khăn, ảnh hưởng đến việc giải quyết khách quan, toàn diện vụ án tại phiên tòa.
Trường hợp sau khi hoãn phiên tòa mà Tòa án không thể mở lại phiên tòa đúng thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa ghi trong quyết định hoãn phiên tòa thì Tòa án phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người tham gia tố tụng về thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa.